Bài học về tính kiêu ngạo của thần đồng Lê Quý Đôn

 

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” thì lúc sinh thời, Lê Quý Đôn (1726-1784) nổi tiếng là người thông thái, đọc và hiểu không biết bao nhiêu sách vở thời bấy giờ. Ông thi đỗ Khôi nguyên. Lẽ ở đời thì những người tuổi trẻ thông minh đĩnh ngộ, lại đỗ đạt sớm thường hay mắc tính kiêu ngạo.


 


Thời trẻ, Lê Quý Đôn cũng không tránh khỏi điều ấy. Chuyện kể, sau khi thi đỗ, ông liền cho treo ngay trước ngõ tấm biển với hàng chữ: Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn. Nghĩa là: Ai không hiểu chữ gì thì hãy đến đây mà hỏi. Nhưng chẳng thấy có ai tới. Mãi đến khi thân phụ ông qua đời, người đến viếng rất đông. Trong số đó có một cụ già mà Lê Quý Đôn không quen, cũng không biết. Cụ tự giới thiệu lai lịch:

- Cháu còn nhỏ, chứ lão là bạn thân với cha cháu từ xưa. Nhưng vì nhà nghèo, đường xa, lại tuổi già sức yếu nên ít đi lại thăm hỏi nhau. Nay nghe tin cha cháu qua đời, nghĩa tử là nghĩa tận nên lão đến để có câu đối viếng. Lão run tay, cháu hãy lấy giấy bút, lão đọc, nhờ cháu viết hộ.

Nghe vậy, Lê Quý Đôn liền đi lấy giấy bút rồi mang ra. Cũng lúc đó, ông cụ bèn đọc: “chi”. Khi đó, Lê Quý Đôn không biết nên viết chữ “chi” nào, bởi trong tiếng Hán có nhiều chữ “chi” viết khác nhau. Ông đành cầm bút chờ cụ già đọc tiếp xem sao. Nhưng ông cụ lại đọc “chi”. Lê Quý Đôn thấy lạ, liền hỏi:

- Bẩm, “chi” nào ạ?

Lê Quý Đôn vừa hỏi xong thì cũng là lúc ông cụ thở dài và than rằng:

- Đến chữ “chi” mà cũng không biết viết, thế mà treo bảng ngoài ngõ để cho người đến hỏi, thì sao trả lời được kia chứ?

Ngay lúc đó, Lê Quý Đôn ngượng chín cả người. Bây giờ cụ già mới đọc luôn một mạch hai vế đối:

Chi chi tam thập niên dư, xích huyện hồng châu kiên thượng tại. Tại tại số thiên lý ngoại, đào hoa lưu thủy tử hà chỉ. Nghĩa của hai câu đối này là: Cách hơn ba chục năm, xích huyện hồng châu nay vẫn đó. Xa ngoài mấy ngàn dặm, đào hoa lưu thủy bác về đâu?

Thấy câu đối hay, lạ, Lê Quý Đôn và cả các nho sĩ đến viếng đều kinh ngạc. Còn ông già thì khi đó đã phủ phục trước linh cữu của thân phụ Lê Quý Đôn mà khóc rằng: Ới anh ơi, anh bỏ đi đâu để con anh đỗ đến Bảng Nhãn mà chưa biết chữ “chi” anh ơi!.

Lạy xong, cụ già chống gậy ra về. Lê Quý Đôn mời mãi nhưng cụ không chịu ở lại. Vậy nên sau này không ai biết ông cụ hay chữ đó tên là gì. Và cũng từ đó, Lê Quý Đôn đã cho gỡ tấm bảng treo trước ngõ.

Cũng về chuyện này, còn có giai thoại kể rằng, một lần Lê Quý Đôn đến cầu siêu ở ngôi chùa làng. Nhà sư thấy ông thì mừng rỡ mà rằng:

- Quan bảng vừa tới, may mắn sao. Bần tăng có điều muốn nhờ quan chỉ giáo. Chả là đứa tiểu đồng của bần tăng nghe người nào đó nói rồi về hỏi, nhưng bần tăng nghĩ không ra, nên đành theo lời quan bảng dạy “Nghi nhất tự lai vấn”. Câu đố thế này, xin quan chỉ cho: Hạ bất khả hạ. Thượng bất khả thượng. Chỉ nghi tại hạ. Bất khả tại thượng. Nghĩa là: Dưới không thể dưới, trên không thể trên. Đúng nên ở dưới, không thể ở trên.

Lê Quý Đôn nghĩ mãi không ra. Đúng lúc ấy chú tiểu chạy từ ngoài vào thưa với sư phụ là cậu đã giải được. Lê Quý Đôn giục chú tiểu nói thử xem, thì mới hay đó là chữ “nhất” (tức là một). Đúng là trong chữ “hạ” (dưới), thì chữ “nhất” ở trên chứ không thể viết dưới. Trong chữ “thượng” (là trên) thì chữ “nhất” nằm dưới và chữ “bất” (là không), với chữ “khả” thì chữ “nhất” lại ngồi trên.

Lê Quý Đôn biết nhà sư đã lấy ngay chữ “Nhất tự lai vấn” ông treo trước ngõ để nhạo lại mình. Ông tự nhủ thì ra thiên hạ còn nhiều người giỏi hơn mình liền về nhà sai người cất tấm bảng. Từ đó ông bỏ tính kiêu ngạo, chăm chú nghiên cứu, học hành, giúp đời, trở thành một ông quan đa năng, một thiên tài khoa học lớn nhất Việt Nam thời phong kiến.

Lời bàn:

Theo sử sách và các giai thoại còn lưu truyền đến ngày nay thì từ nhỏ Lê Quý Đôn đã nổi tiếng là một thần đồng, lớn lên ông là một “nhà bác học ham đọc, ham biết và ham viết”, là “một nhà bác học có kiến thức hết sức uyên bác và đa dạng”. Nhà sử học Phan Huy Chú đã viết về Lê Quý Đôn như sau: Ông có tư chất khác đời, thông minh hơn người mà vẫn giữ tính nết thuần hậu, lại chăm học không biết mỏi. Tuy đỗ đạt vinh hiển, tay vẫn không rời quyển sách. Bình sinh ông làm sách rất nhiều. Bàn về kinh sử thì sâu sắc, rộng rãi, mà nói về điển cố thì đầy đủ rõ ràng. Cái sở trường của ông vượt hơn cả, nổi tiếng trên đời.

Và với hậu thế, Lê Quý Đôn là một nhà chính trị quan tâm đến nhân dân, gần gũi nhân dân, hiểu những mong muốn của nhân dân, một nhà tri thức có tư tưởng tự tôn và tự hào dân tộc. Tuy vậy, nhưng là một nho sĩ trung thành với họ Trịnh và ý thức hệ của Lê Quý Đôn là ý thức hệ của giai cấp phong kiến Việt Nam hồi thế kỷ 18, nên trong sự nghiệp ông đã từng đi đánh dẹp các đội quân nổi dậy, mà thực chất là những người nông dân khởi nghĩa chống lại triều đình Lê - Trịnh. Và có lẽ đây là sai lầm thứ hai của ông. Sai lầm lần thứ nhất là ông dám treo bảng đề ở ngoài cổng rằng ai không hiểu chữ nào thì cứ đến nhà hỏi. Ngay lần đó, Lê Quý Đôn đã bị một ông già và một nhà sư dạy cho bài học nhớ đời. Thế mới biết, “thiên hạ nhân, thiên hạ tài” (Trong thiên hạ, mỗi người có tài năng và sở trường của mình) quả là không sai. Thật đáng buồn là câu tục ngữ này cho đến bây giờ không phải ai cũng biết, ai cũng hiểu và ai cũng làm theo được. 

(st)

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.